TP. Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 06 năm 2024 – Mặc cho những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, các nhà đầu tư Đức vẫn giữ vững lập trường tích cực về tình hình hoạt động của doanh nghiệp mình cũng như kì vọng về tiềm năng phát triển kinh tế vĩ mô của thị trường Việt Nam. Theo kết quả, 55% các doanh nghiệp Đức kỳ vọng vào sự phát triển của doanh nghiệp mình, 55% lạc quan về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 12 tháng tới và 57% kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Kỳ Vọng Phát Triển Kinh Tế
Nhờ việc triển khai nhanh chóng các kế hoạch hành động của Chính phủ và điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực. Bởi vậy, các doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam trở nên lạc quan hơn so với kỳ mùa thu năm 2023, mặc dù trong ngắn hạn, họ vẫn còn thận trọng do những thách thức địa chính trị như lạm phát, xu hướng tách rời sự phụ thuộc của các nền kinh tế lớn và sự ảnh hưởng chính trị ngày ngày càng gia tăng lên đến chuỗi cung ứng. 81 % số doanh nghiệp tham gia khảo sát tự tin với tình hình kinh doanh của họ tại Việt Nam (hài lòng và tích cực) và khoảng 64 % trong số họ cam kết không cắt giảm lực lượng lao động trong 12 tháng tới.
Rủi ro và Thách thức
Các nhà đầu tư Đức bày tỏ sự lạc quan với triển vọng thị trường Việt Nam nhưng vẫn thận trọng trong những dự định ngắn hạn do rủi ro đến từ những biến động kinh tế toàn cầu gây ra như: nhu cầu toàn cầu thấp (38%), quan ngại về chính sách phát triển kinh tế (38%), thiếu hụt lao động có tay nghề (33%) và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng (33%). Thêm vào đó là những thách thức do tác động chung của sự suy thoái nền kinh tế toàn cầu liên quan đến chi phí năng lượng (25%), chi phí nguyên vật liệu (25%) và rào cản thương mại (22%).
Các doanh nghiệp Đức cũng không thể phủ nhận những khó khăn trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường mới. 71 % nhà đầu tư Đức tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp/ đối tác kinh doanh phù hợp, 47% gặp trở ngại trước sự gia tăng của các vấn đề pháp lý và 32% cho rằng thách thức nằm ở các rào cản thương mại.
Cơ hội
Nhìn nhận về những khó khăn, thách thức đang hiện hữu, các doanh nghiệp Đức cũng xác định được những cơ hội để tiếp tục phát triển ở thị trường đầy tiềm năng này. Cụ thể, trước những thách thức địa chính trị ngày càng tăng, 58% doanh nghiệp đã thực hiện kế hoạch phát triển thị trường bán hàng mới, 50% mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và 43% có kế hoạch tăng đầu tư địa phương.
Về khảo sát AHK World Business Outlook (AHK WBO)
AHK World Business Outlook dựa trên một cuộc khảo sát hằng năm của Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) với sự tham dự của các doanh nghiệp và nhà đầu tư thành viên của Phòng Thương mại Đức tại nước ngoài, các Phái đoàn và Văn phòng Đại diện (AHK). Vào kỳ mùa xuân năm 2024, khảo sát đã thu thập phản hồi từ hơn 4.300 doanh nghiệp Đức từ khắp nơi trên thế giới cũng như các doanh nghiệp đối tác của họ trên toàn cầu. Với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam và trên toàn thế giới, AHK WBO được các nhà hoạch định kinh tế, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các cơ quan báo chí và các chuyên gia đánh giá cao và được xem là thước đo đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới. Kết quả cuộc khảo sát sẽ là kim chỉ nam nhằm đánh giá về tình hình phát triển của doanh nghiệp Đức, xu hướng phát triển của doanh nghiệp Đức trong 12 tháng tới, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tuyển dụng cũng như những kỳ vọng của chính nhà đầu tư Đức đối với sự phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Đối tượng tham gia: 38% công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, 42% đến từ lĩnh vực dịch vụ và 20% là các công ty thương mại.
Thời gian triển khai khảo sát: từ ngày 25 tháng 3 đến ngày 21 tháng 4 năm 2024
EN_Vietnam Analysis_AHK World Business Outlook 2024
Spring 2024 EN/AHK WBO
VN_Vietnam Analysis_AHK World Business Outlook 2024
Mùa Xuân 2024 EN/AHK WBO